Nét độc đáo riêng Rặng_thị_cổ_Đồ_Sơn

Rặng cây thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình thuộc dòng họ Lê Viết, Phạm Văn, Nguyễn Đình... ở 2 tổ dân phố 5 và 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Quần thể Rặng Thị có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trong đó có một số cây có tuổi đời 700-800 năm.[1]

Một quả thị

Rặng thị có sức sống mãnh liệt, biểu thị rõ nét đó chính là tuổi cây. Mỗi cây thị đều có một hình dáng riêng và được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của nhân dân. Theo truyền ngôn, thời xưa có một người làm nghề khắc con bài đến mua cây về để khắc thành con bài cây được đặt tên là cây thị Bài. Cây thị Khe được trồng bên khe suối gọi là cây thị Khe. Cây thị cổ có tuổi đời khoảng 1.000 năm, lớn tuổi nhất trong rặng thị, toàn bộ rễ cây chồi lên mặt đất gốc cây mọc ra 7 chồi, được người dân ví như Thần cây và đặt tên là cây thị Bảy chồi. Cây thị Bà Vải là do ngày sưa có một bà cụ chuyên bán nước cho khách thập phương đến lễ chùa dưới gốc cây, khi cụ mất, cứ đêm đem mọi người đi qua gốc thị lại thấy hình bóng cụ trên cây nên gọi là cây thị Bà Vải. Và nhiều tên gọi khác như: Thị Búp, Thị Cộc, Thị Gồ, Tai Hồng, Thị Óng, Thị Tay Úp, Thị Bã Trầu...[3]

Mỗi cây thị mang những nét độc đáo riêng. Cây thị Bảy chồi nghìn năm tuổi có đường kính tại gốc là 8 m, được người Đồ Sơn gọi là "Thần cây". Cây thị Khe có tuổi trên 800 năm, cao 20 m, đường kính thân 1,4 m, thân cây bị rỗng và có thể chứa được hai người lớn. Cây thị Bà Vải trên 800 năm tuổi, cao 20 m, là cây thị đẹp, tán rộng, đường kính thân 1,8 m, cây có dáng kỳ lạ, toàn bộ rễ trồi lên mặt đất cao tới cả mét và đen như đá. Rễ cây thị Vải trồi lên mặt đất đen như đá. Cây thị Cộc có tuổi đời trên dưới 800 năm, đường kính hơn 1m. Dù đã gần nghìn năm tuổi, nhưng các "cụ" thị vẫn tràn đầy nhựa sống, hàng năm cho ra những trái thị thơm nức.[3]

Bên cạnh 17 cây thị cổ thụ có tuổi từ 120 đến 1.000 năm, rừng thị núi Ngọc còn có cả trăm cây thị dưới 100 năm tuổi. Ngoài ra, có một số cây thị đã chết do thời gian (như cây thị Uốc, mặc dù đã chết nhưng vẫn còn gốc), chết do chiến tranh...